Phỏng vấn Ban Điều Hành Tổ Chức DUACT (Nhiệm kỳ 2003-2004)

Phạm Văn Bân, Cô Trâm Anh, Nguyễn Ðức Cường, Nguyễn Tâm Trực.
Bên cạnh chiếc bàn còn ngổn ngang những giấy tờ sau một buổi họp thường lệ khá hào hứng và nhiệt tình của các thành viên Ban Ðiều Hành tổ chức từ thiện DUACT tại tư gia Anh Nguyễn Tâm Trực. Chúng tôi và Cô Trâm Anh (Cố vấn), Anh Nguyễn Tâm Trực (Chủ tịch), Anh Phạm Văn Bân (Tổng Thư ký), không ai bảo ai, cùng nhìn ra ngoài sân nắng, nơi những đóa hoa hồng vừa hé nở đang lay động dịu dàng theo làn gió hiếm hoi của buổi chiều hè. Hoa hồng, thường gợi đến tình yêu đôi lứa, nhưng trong giờ phút này, dường như những nụ hồng này lại chuyên chở một tình yêu rộng lớn hơn nhiều. Một tình yêu vượt qua những cảm xúc đời thường, băng qua không gian mênh mông của đại dương để tìm về những mảnh đời khốn khó nơi xa tắp quê nhà. Tôi chợt muốn thực hiện một bài phỏng vấn những khuôn mặt quen thuộc này, Phạm Văn Bân, Cô Trâm Anh, Nguyễn Ðức Cường, Nguyễn Tâm Trực ,nhưng rồi lại nghĩ: Khi hành động đã trở nên một nhu cầu cấp bách, thì im lặng là điều cần thiết để giữ gìn sức lực cho cuộc hành trình dài và không kém gian nan trước mắt. Nhưng phải chăng, một chút tâm tình, một chút tỏ bày tâm sự, hẳn là cần thiết, để cùng chung nhịp đập con tim với tất cả những Anh Chị Thụ nhân khắp nơi, dù đang không lên tiếng, nhưng từ đáy tâm tư, vẫn dậy lên niềm kỳ vọng rằng, Ban Ðiều Hành DUACT sẽ luôn xứng đáng trong niềm tin cậy của mọi người. Vì thế, tôi đã bắt đầu từ Cô Trâm Anh - phu nhân Giáo sư Ngô Ðình Long:

Nguyễn Ðức Cường:

Kính thưa Cô, nguyên nhân nào đã khiến Cô nhận lời tham gia vào việc điều hành tổ chức từ thiện DUACT, trong khi gần đây, sức khỏe Cô dường như đã có vấn đề, và đồng thời Cô còn phải bận rộn trong việc chăm sóc Thầy hàng ngày?

Cô Trâm Anh:

Trước hết, tôi xin cám ơn lời khích lệ của Anh. Sau đây, tôi cũng xin nhân cơ hội này để trình bày nguyên nhân vì sao tôi quyết định tham gia vào tổ chức từ thiện DUACT. Khi tôi về Việt Nam lần đầu tiên để thăm Mẹ tôi năm 1992, thấy cảnh tượng khổ của bên đó, qua lại đây, tôi đã bị depressed cả 6 tháng trời. Tôi thấy một nhóm người, cùng một quê, ra từ một trường, khả năng giống nhau, mà ở hai hoàn cảnh quá khác biệt, thật quá vô lý và bất công. Các bạn đồng khóa ở bên này tuy ai cũng phải làm việc cực nhọc, nhưng có được đời sống tương đối an toàn và thoải mái, và nhất là con cái của các Anh Chị này được có phương tiện học hành, có cơ hội để phát triển và có tự quyết định tương lai của mình.

Trái lại bên kia, các anh chị em trừ một phần nhỏ tương đối khá giả, còn đa số thì gặp cảnh quá cực khổ, người thì đạp xích lô, kẻ thì đi làm ruộng ... không kiếm được việc tương xứng với khả năng mà họ đã thu thập được từ cùng một trường Ðại học. Có một số anh chị, tuy chỉ mới ngoài 50 tuổi mà vì đau ốm không có thuốc men đã phải nằm xuống, để lại một bầy con không nơi nương tựa, không có tiền để tiếp tục việc học cho đến nơi đến chốn. Từ những hoàn cảnh quá đáng thương và quá bất công đó, tôi muốn làm một cái gì để chia xẻ với các anh chị em và các cháu mà nhà tôi và em tôi xem như là các em, các cháu, bà con của mình. Tuy nhiên, vì Hội DUACT lúc đó chưa thành lập, chúng tôi vẫn âm thầm đóng góp vào Quỹ Học Bổng của nhóm Thụ Nhân. Ðồng thời, tôi cũng tình nguyện hoạt động cho một Hội Thiện Nguyện khác, cũng có cùng mục đích chung là trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Sau 10 năm làm một thiện nguyện viên, phụ trách gây quỹ cho Hội SAP-Việt Nam, tôi đã định về hưu vì lý do sức khỏe. Nhưng sự thành hình của DUACT đã khiến tôi đổi ý. Tôi rất ưa thích và đánh giá những đối tượng hoạt động hoạt động của DUACT như là Quỹ Học Bổng, Quỹ Tương Trợ, Quỹ giúp đỡ các em bụi đời và Quỹ chữa bệnh cho người cùi là tối cần thiết. Nhà tôi và các con thì có phần ái ngại cho sức khỏe của tôi sẽ không kham nổi công việc. Gây quỹ là một việc hết sức stressful. Nhưng tôi nghĩ Trời cho mình còn sống được ngày nào, còn đi đứng, nói năng suy nghĩ được, thì mình cứ phục vụ, được ngày nào hay ngày đó, hầu chia xẻ những gì mà mình may mắn có cho những người kém may mắn hơn. Vì thế, cuối cùng tôi đã quyết định tham gia vào công tác thiện nguyện cho DUACT trong phận sự gây quỹ cho Hội.

Tôi không nghĩ đây là mình làm phúc, trái lại, tôi xem đây là một sự chia sẻ. Mình có một chén cơm thì mình giữ lấy để ăn, nhưng khi Trời cho mình có được mười chén cơm thì bổn phận mình là chia sẻ với bà con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng không Anh Cường?

Nguyễn Ðức Cường:

Vâng, câu trả lời của Cô vừa mở ra một cái nhìn rõ nét hơn về những tư duy, và cách thức dấn thân của người làm việc Thiện. Ðó không phải là một cảm hứng hay cảm xúc nhất thời, mà là một quá trình nung nấu ý nguyện sống dâng hiến cho tha nhân. Xin cám ơn Cô. Giờ đây, cũng câu hỏi này, chúng tôi xin mời Anh Nguyễn Tâm Trực. Anh đã can đảm nhận vai trò nặng nề nhất trong DUACT, trong khi Anh cũng rất bận rộn đi làm và chăm sóc gia đình như bao nhiêu người khác, vì sao Anh lại có sự dũng cảm đến thế? (mọi người cùng cười)

Nguyễn Tâm Trực:

(Trầm tư vài khoảnh khắc, rồi chậm rãi trả lời) Tôi muốn bắt đầu từ thuở thiếu thời, lúc tôi khoảng 12, 13 tuổi, vào cái ngày mà ông Ngọai tôi mất trong nhà. Lúc bấy giờ tôi đã bắt đầu có những suy tư liên quan đến lẽ vô thừơng của cuộc sống con người trên thế gian này. Khi lớn lên, tôi chấp nhận quan niệm "cuộc sống trên thế gian này là tạm bợ, là phù du" và tôi nghĩ chỉ có tình yêu thương giữa con nguời với con nguời là quan trọng, là bền vững, là bất biến với thời gian. Biết bao nguời thân trong gia đình và bạn bè đã từ giã vĩnh viền cuộc sống này mà tôi rất tha thiết mong đụoc gặp lại, nhưng... nào có đuợc! Sau khi ra trường, tôi đi làm và chỉ kiếm đuợc đủ sống. Nhìn chung quanh, tôi thấy chỉ một số rất nhỏ các bạn đuợc xem là thành công, đại đa số còn lại đều không được may mắn, phải khó nhọc vật lộn với cuộc sống, nhất là tại VN sau 1975! Do vậy, tôi nghĩ, nếu mình có làm được chút gì cho gia đình, cho bạn hữu, cho tha nhân thì chỉ là để đền đáp công ơn sinh thành, giáo dục của Cha Me và Thầy Cô xưa kia. Chỉ cần giúp được "nguời cần trợ giúp" là đủ vui rồi. Từ truớc đến nay tôi chỉ thích sinh họat trong một nhóm nhỏ (các bạn thân quen trong cùng lớp) vì tôi không phải là "típ" người của đám đông. Khi tổ chức từ thiện của gia đình Thụ Nhân (DUACT) thành hình, một số các bạn nhận biết đuợc quan điểm và tâm tình riêng của tôi nên đã không ngần ngại đùn đẩy tôi ra nhận trách nhiệm này. Thực sự, lòng tôi không muốn gánh vác việc điều hành tổ chức DUACT vì hình thức sinh họat từ thiện trong khuôn khổ luật pháp của chính phủ HoaKỳ vuợt quá dự kiến của tôi. Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về các hoat động lọai này và hơn nữa, DUACT chưa ... có gì cả, cần phải gầy dựng lên từ zero! Bên cạnh đó, tôi đuợc đa số các bạn hỗ trợ tinh thần thật nhiều, một vài bạn thân đã hứa sẽ sát cánh cùng làm việc nên tôi "bạo phổi" cố gắng thử một phen xem sao.

Nguyễn Ðức Cường:

Vậy thì từ khi nhận nhiệm vu này, điều gì làm anh vui nhất ? Truớc mắt và trong tuơng lai, theo Anh, có trở ngại nào gọi là đáng kể không ?

Nguyễn Tâm Trực:

Niềm vui của tôi là DUACT đã bắt đầu giúp ích được cho bạn bè, anh chi em trong đại gia đình Thụ-Nhân và các trẻ em bụi đời ở Bình Triệu và một số học sinh, sinh viên nghèo-nhưng-hiếu-học. Còn trở ngại thì ... nhiều lắm! Vì bá nhân bá tánh, mồi nguời suy nghĩ và hành động khác nhau. DUACT còn quá son trẻ, nhưng điều quan trọng nhất mà anh chị em trong BÐH chúng tôi luôn tự nhắc nhở nhau là hãy nêu cao tinh thần Thụ Nhân, luôn luôn cố gắng hướng đến mục đích cao đẹp của tổ chức chúng ta. Dù ít, dù nhiều chúng tôi nhất định sẽ đem lại một chút gì ấm lòng cho bạn bè, anh chị em Thụ Nhân không may gặp cảnh ngang trái hoặc bệnh tật và trong điều kiện khả thi, chăm lo việc giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam. Nói chung, điều gì hợp với luân lý, lẽ phải, chúng tôi mạnh dạn thực hiện trong khả năng hiện có.

Nguyễn Ðức Cường:

Về phần Cô Trâm Anh, thưa Cô, trong vai trò là một trong những thành viên của Ban Ðiều hành, với Cô, điều gì làm Cô vui nhất từ trước đến nay, và với Cô, điều gì là trở ngại ?

Cô Trâm Anh:

Thật ra thì tôi không ở trong cương vị điều hành mà chỉ cố gắng làm ra tiền cho Ban Ðiều Hành ở đây và ở Việt Nam có phương tiện để thực hiện những công tác giúp đỡ bên Việt Nam. Ðiều khiến tôi thích nhất là thấy việc mình làm sẽ đem lại sự nâng đỡ thực tiễn và cấp thời cho nhiều người ở bên nhà. Còn Anh hỏi tôi rằng trong khi làm việc có gặp trở ngại nào đáng kể không, thưa Anh, cho đến giờ này thì không. Tất cả các anh chị em sinh viên đối với tôi rất là tốt, dễ thương và giúp đỡ tôi nhiều lắm. Tôi nghĩ chắc vì tôi cũng được dựa vào lòng thương Thầy Long của các anh chị, nên tôi cũng được hưởng lây ... Theo tôi nghĩ, trong khi làm việc chung với nhau, dù chỉ có hai người như hai vợ chồng chẳng hạn, thì cũng có lúc chén bát ngả nghiêng. Nhưng nếu mình nghĩ được rằng việc chính của cả nhóm đây là để giúp bạn hữu của mình bên Việt Nam, chứ không phải làm cho anh A hay chị B nào khác, và mình biết tôn trọng trách nhiệm của mỗi một người được đề cử ra, thì công việc sẽ tốt đẹp hơn, tránh được những bất hòa làm tổn thương tình thân hữu trong nhóm với nhau.

Nguyễn Ðức Cường:

Theo tinh thần câu trả lời của Cô Trâm Anh và của Anh vừa rồi, thì thưa Anh Nguyễn Tâm Trực, cho đến nay, tổ chức DUACT đã có họat động tương trợ nào cụ thể ?

Nguyễn Tâm Trực:

Chỉ mới hơn 03 tháng sau đợt chuyển tiền đợt một $US 10,000 về VN (đầu tháng 04 năm 2003), quý anh chị DUACT tại VN đã khai triển đuợc một số việc trợ giúp thuộc Quỹ Tương Trợ Thụ Nhân. Tuy chưa có báo cáo chi tiết chính thức (định kỳ 2 lần/năm), nhưng các thành viên trong gia đình Thụ Nhân sau đây đã nhận đuợc sự trợ giúp: anh Hồ Quốc Minh (K4), anh Nguyền Ngọc Sơn (K3), chị Phan Tuyết Hy (K7), anh Ngô Văn Huân (K6), chị Từ Ngọc Diệp (K7) và LM. Giáo sư Hoàng Quốc Trương. Quỹ Học Bổng tại VN đã nhận tạm ứng $US 4,000 để lo duyệt và cấp phát học bổng kỳ 2 năm 2002 cho hoc sinh và sinh viên. Quỹ Giáo Dục Nguyễn Văn Lập hiện đang chỉnh đốn lại mức trợ cấp cho các lớp học tình thong nhằm nâng cao tinh thần học tập của các cháu cũng như sự phục vụ của quý anh chị giáo viên (tăng mức trợ cấp hàng tháng). Trong tháng 06 vừa qua, tổ chức từ thiện DUACT cũng đã thông qua kế họach chi tiêu của Quỹ Kontum-Pleiku và đã chuyển giao số tiền $US 10,095 để thực hiê.n các chương trình giúp trị bệnh cho nguời cùi thiểu số, xây dựng nghĩa trang cho các thai nhi bị phá thai...vv...

Nguyễn Ðức Cường:

Trong phần Dự Thu, mục 2.1: Các họat động quyên góp như tổ chức dạ vũ, bán vé số có thuởng (Raffle) được xem là những họat động gây quỹ mang tính chất "sống còn" như đã trình bày trong thông báo của DUACT gửi đến gia đình Thụ Nhân trên khắp thế giới, phải chăng BÐH xem đó là những họat động duy nhất ? Chúng ta có thể có những cách thức gây quỹ khác không ? Xin Cô Trâm Anh cho Bản Tin và các Anh Chi Thụ Nhân hiểu rõ thêm về vấn đề này.

Cô Trâm Anh:

Thưa Anh Cường, rút kinh nghiệm của một năm đầu tiên hoạt động, chúng tôi nhận thấy phần vụ gây quỹ cần được phân chia và phối hợp nhịp nhàng giữa DUACT và các nhóm Thụ Nhân để tránh những trùng hợp và dẫm chân nhau. Theo đó, trong tài khóa 2004, những hoạt động gây quỹ chính sẽ được thực hiện như sau:

A/ Từ đầu năm cho đến hết tháng 3, Hội Thụ Nhân Nam CA sẽ tổ chức dạ vũ hay một vài mục khác để gây quỹ hoạt động cho Hội.

B/ Sau đó là tháng 4, trong mùa chay, Quý Anh Chị trong Nhóm Thân Hữu Cha Ðông quyên góp tiền để đặc biệt giúp các hoạt động y tế và xã hội của Cha ở Komtum và Pleiku.

C/ Tháng 5 và tháng 6, Hội Thụ Nhân Nam Cali tổ chức picnic, gây tình thân hữu, tường trình hoạt động, trao đổi tin tức, ý kiến, không gây quỹ.

D/ Hội DUACT, từ đầu tháng 7 cho đến cuối tháng 11, sẽ tổ chức cuộc bán vé số gây quỹ cho tất cả những công tác bên Việt Nam. Ðầu tháng 12 sẽ tổ chức Tiệc Thân Hữu và Xổ Số. Tiệc Xổ Số, không nhằm gây quỹ, nhưng có thể có đôi chút tiền lời nếu bán tranh đấu giá. Vé dự tiệc, chúng tôi sẽ bán gần như giá của nhà hàng. Vé dự tiệc của các em thế hệ 2 sẽ thật rẻ để khuyến khích phụ huynh Thụ nhân đem con em tới dự, hầu các cháu có cơ hội gặp nhau làm quen, đồng thời có dịp chứng kiến những hoạt động quan tâm của Cha Mẹ mình đôi với Bạn Bè gặp khó khăn ở quê nhà. Qua đó, các em sẽ hiểu biết thêm và hãnh diện về Bố Mẹ mình.

Anh Cường lại hỏi là trong tương lai, DUACT có thể có những hoạt động nào khác không? Thưa Anh, tôi có một điều thiết tha nhất muốn bày tỏ nơi đây, và ước mong có sự đóng góp ý kiến của các Anh Chị Em Cựu Sinh viên hiện đã là phụ huynh của thế hệ THỤ NHÂN thứ hai: Những việc chúng ta đang làm hiện tại phần lớn là để giúp cho con cái của Thụ Nhân A và B, và các thanh thiếu niên bạn, có được một tương lai sáng sủa hơn. Tôi ước ao làm sao cho các cháu Thụ Nhân C, con của Quý Anh Chị Thụ Nhân A và B ở đây biết được rằng: Nếu các em không may mắn được Cha Mẹ đem các em qua đây, thì các em cũng ở trong một hoàn cảnh khốn khổ như các em ở Việt Nam. Tôi ước ao là các em nhận định được những may mắn mình đang hưởng và thông cảm sự chua xót của những người bạn đồng tuổi nhưng bạc phước. Và biết đâu, với sự khuyến khích của phụ huynh, các em có thể cùng nhau làm những công tác giúp đỡ người nghèo khó. Trên San Jose, Bắc CA, trong khuôn khổ của Hội HELP, các em cũng đã tổ chức những Bake Sale, Car Washing, hay Hòa tấu Nhạc để gây quỹ giúp về Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, những cuộc gây quỹ nho nhỏ và dễ thương này, nói về tài chánh thì không được bao nhiêu, nhưng nói về tình thương và lòng nhân ái thì ảnh hưởng rất là lớn.

Nguyễn Ðức Cường:

Xin Anh Trực cho biết ý kiến của Anh về vấn đề này.

Nguyễn Tâm Trực:

Hai hình thức quyên góp mà anh Cuờng nêu ra đã được trình bày trong Bản Thông Báo Kế Họach Thu & Chi Năm 2003 của DUACT. Các hình thức này chỉ đúng cho những năm đầu trong sinh hoat phôi thai của DUACT. Bản kế họach đó chúng tôi có nêu rõ cho năm 2003. Xin anh Cường ghi nhận cho một điều quan trọng và rất thực tế là: nhân sự làm việc của DUACT hoàn toàn do sự tình nguyện và chỉ làm việc ngoài giờ hành chánh. Xin đừng đem so sánh DUACT với những tổ chức từ thiện có qui mô lớn đã có quá trình họat động lâu dài, có ngân quỹ để thuê muớn nguời làm việc toàn thời gian . Ða số các thành viên trong BÐH, cũng như anh và tôi, đều còn phải hàng ngày đi làm kiếm sống và có trách nhiệm với gia đình mình truớc, sau đó, rảnh rỗi mới lo đến công việc từ thiện chung của Thụ Nhân. Ngoài ra, DUACT có cùng một địa bàn họat động với TN Nam Calị, nên khi phác thảo các chương trình gây quỹ của DUACT, chúng tôi có cân nhắc đến các sinh họat của BCH. Thu Nhân Nam Cali. Ðó là những thực tế, những giới hạn về khả năng và thời gian chung của chúng ta. Trong tương lai, DUACT sẽ phải nghĩ đến các hình thức gây quỹ khác như thuê muớn chuyên viên viết dự án xin ngân quỹ từ các cơ quan chính phủ, từ các tổ chức từ thiện lớn tại Hoa Kỳ và trên thế giới hoặc tổ chức đại nhạc hội, những buổi trình diễn nhạc chủ đề, nhạc thính phòng... để gây quỹ trong cộng đồng nguời Việt Hải Ngọai . Muốn đuợc như vậy, tôi thiết nghĩ DUACT cần có một quá trình sinh họat liên tục, vững vàng trong vài năm (một lịch sử họat động). Sau đó, chúng ta mới có nền tảng để thuyết phục các cơ quan, tổ chức có thừa ngân sách hoặc đại chúng để gây quỹ.

Nguyễn Ðức Cường:

Trong Phụ Chú 1 - Bản Thông Báo Kế Họach Thu / Chi năm 2003 của DUACT, có ghi đối tuợng ưu tiên trong việc cấp phát học bổng là các cháu đang học cấp 3, truờng Trung học Dạy Nghề, Cao đẳng Chuyên Nghiệp và Ðại Hoc. Các cháu học cấp Tiểu học (cấp 1) và Trung Học (cấp 2) đuợc huởng ít ưu tiên hơn . Tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp các em học sinh Tiểu học và Trung Hoc đệ nhất cấp tại VN đã phải bỏ học để phụ gia đình kiếm sống vì quá nghèo. Quý anh chị trong BÐH. DUACT nghĩ thế nào ?

Nguyễn Tâm Trực:

Tất cả các điều ghi trong Phụ Chú 1 về các tiêu chuẩn cấp phát học bổng đều do các anh chị DUACT tại VN biên soan căn cứ vào tình trạng thực tế qua sự xét duyệt hoc bổng của những năm truớc. Thiết nghĩ các trường hợp đó, nếu có, cũng không nhiều vì phạm vi họat động của DUACT tại VN cũng có giới hạn. Do ngân quỹ còn hạn chế nên DUACT chưa có thể mở rộng, đón nhận đơn xin từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hôi tại Việt Nam.

Nguyễn Ðức Cường:

Xin cám ơn Anh, và cũng trong Phụ chú 1, có câu: " Tùy theo thực tế, BÐH. DUACT-VietNam sẽ ấn định mức học bổng cho sinh viên của VÐH ÐàLạt là bao nhiêu". Như vậy, "thực tế" đó là như thế nào và có đi nguợc lại với ý niệm công bằng đã đuợc nhấn mạnh trong chủ trương của DUACT không ?

Nguyễn Tâm Trực:

Trước tiên, chúng tôi xin nhấn mạnh là anh chi em DUACT-HNg hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng và đức độ của quý anh chị Thụ Nhân DUACT-VN. Quý anh chị đó có toàn quyền ấn định mức học bổng dành cho các sinh viên thuộc Viện Ðại Học ÐàLat. Theo bảng dự chi, số tiền dành cho đối tượng nêu trên vào khoảng $US 2,000 trong năm 2003. Ðây chỉ là số dự chi. Thực tế mà chúng tôi muốn nói đến là: quý anh chị DUACT-VN sẽ lên ÐàLạt làm việc cụ thể với Ban Giám Ðốc VÐH Ðà Lạt. Thu thập tin tức liên quan đến mức sinh họat hiện thời tại thị xã, chi phí sách vở, chi phí ăn, ở trọ, học phí phải đóng cho nhà trường ..vv... Sau đó, mới quyết định tặng bao nhiều học bổng căn cứ vào số ngân quỹ đang có trong tay. Mồi học bổng sẽ đồng đều về trị giá. Ví dụ $US 100 một học bổng cấp cho sinh viên đang theo học tại VÐH ÐàLat.

Nguyễn Ðức Cường:

Ðối với anh chi em Thụ Nhân tại VN, không may rơi vào tình cảnh khó khăn, bệnh họan mà vì nhiều lý do, chúng ta ở đây và cả DUACT-VN không hề hay biết, ví dụ như do bản tính "ngại làm phiền" hay "tự ái" của anh chị đó chẳng hạn, liệu chúng ta có cách nào tìm hiểu và trợ giúp kịp thời được không ?

Nguyễn Tâm Trực:

Ðã không biết thì làm sao mà trợ giúp đuợc! Chúng ta chỉ có mỗi một cách là phòng ngừa trường hợp này. Chúng ta cố tránh không để xẩy ra bằng cách thông tin rộng rãi trong mọi thành viên của gia đình Thụ Nhân về các chương trình từ thiện của chúng ta. DUACT trân trọng mong mỏi tất cả qúi vị cựu giáo sư, cựu nhân viên trong VÐH DàLat và quí anh chị cựu sinh viên các phân khoa, các lớp/khóa phổ biến cho nhau biết về tổ chức từ thiện của gia đình Thụ Nhận .

Nguyễn Ðức Cường:

Trong việc cấp phát học bổng, chúng ta có gặp trở ngại nào từ phía chính quyền Việt Nam không ? Nếu có, đó là những trở ngại nào và liệu chúng ta có thể vuợt qua ?

Nguyễn Tâm Trực:

Cho đến nay, chúng ta chưa gặp trở ngại nào từ phía chính quyền trong nuớc. Ngay cả khi chúng tôi đến gặp ông Hiệu Truởng Truờng Ðại Học ÐàLạt trong tháng 12 năm 2002, họ cũng rất hoan nghênh công việc trợ giúp học bổng cho các sinh viên ÐàLat. Xin cám ơn anh Nguyễn Ðức Cuờng và Bản Tin Thụ Nhân Nam California.

Nguyễn Ðức Cường:

Kính thưa Cô Trâm Anh và Anh Nguyễn Tâm Trực, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Cô và Anh đã dành cho chúng tôi những giây phút quí báu mà qua đó các Anh Chị Thụ Nhân khắp nơi sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn những công việc khá vất vả và rất cao đẹp mà Ban Ðiều Hành DUACT đã, đang và sẽ làm. Thay mặt Bản Tin, chúng tôi xin chân thành cầu chúc Cô Trâm Anh, Anh Nguyễn Tâm Trực và tất cả Quí Anh Chị trong Ban Ðiều Hành DUACT luôn dồi dào sức khỏe và nghị lực trong những ngày sắp tới. Trân trọng.

 Tháng 11 năm 2003
Nguyễn Đức Cường thực hiện